30 năm kỷ niệm chuyện làm báo Diễn Đàn Praha
20.11.2020


Bộ lưu trữ „Diễn Đàn“ ở nhà tôi.


Cuối năm 1990 là thời kỳ buồn bã nhất của đời tôi. Không khí ngột ngạt trong các cơ quan nhà nước với các trò đấu đá, tranh ăn ngày đó quả là không thể chịu đựng được. Song khổ nhất cho một cán bộ ngoài đảng như tôi là các trò võ bẩn của các đồng nghiệp đảng viên quanh tôi. Tôi không chịu khuất phục nhưng là người nhậy cảm, tôi bị stress khá nặng, đôi khi u uất. Tôi tìm cách bỏ nhà nước ra ngoài làm việc. Kinh tế tư nhân lúc đó đang như những cái mầm cây yếu ớt len lỏi chui lên trên một mảnh đất khô cằn, đầy rủi ro. Sau khi thử nghiệm thất bại với hai doanh nghiệp tư nhân trong lĩnh vực điện tử, tôi quyết định rời Việt Nam ra nước ngoài sinh sống.

Nhờ đã từng sống ở Đông Đức cuối những năm 1960 và có quan hệ tốt với nhiều đồng nghiệp Tây Đức nên tôi đầu năm 1991 tôi đã mau chóng đưa được gia đình đến định cư ở quê hương mới là Đức vừa thống nhất.

Nhưng cuộc sống mới ở quê người đem đến cho gia đình tôi một sự hụt hững. Bên cạnh những hụt hững về vật chất và nghề nghiệp, sự cô đơn và thiếu thông tin cũng là một thử thách. Ở Việt Nam cả hai vợ chồng tôi đều có vị trí xã hội đáng kể và giao du rộng rãi. Nay sống trong một xã hội xa lạ, không có bạn bè, người thân để tâm sự, không có tin tức về quê hương. Thời kỳ đó chưa có internet và thư từ mất 2 tuần mới tới.

Rồi trong một lần đến chơi nhà người bạn, tôi vớ được một quyển „Diễn Đàn“, in sơ sài, khoảng hai chục trang. Mở ra thấy đề Praha 6 là nơi tôi đã từng ở trong chuyển đi công tác 1986. Tò mò mượn về đọc. Những bài báo của các chàng sinh viên trẻ đầy trăn trở, những bài phê phán sắc cạnh bỗng làm tôi thich thú.

Té ra xưa nay tôi chỉ quen đọc các loại báo chí tô hồng, một chiều, nay được xài các bài bình luận đa chiều của từ Hiebert Muray, đến Bùi Tín, được đọc phê bình phim „Hương Đu Dủ Xanh“ mà tôi chỉ mới nghe nói đến. Đặc biệt là số phận của những người lao động Việt Nam tại các nước Đông Âu được nhắc đến rất nhiều trên Diễn Đàn. Ngày đó báo chí Việt Nam lúng túng, không biết viết gì về người Việt ở Đông Âu, kể cả viết tô hồng cũng không thể. Tôi đã xúc động khi đọc về vụ thảm sát người Việt ở Krasnaya Poliana Bulgary trên Diễn Đàn.

Tôi bỗng tìm thấy bóng dáng của mình trên các trang báo in roneo này. Những bài viết mộc mạc của các tay ngang như tôi khiến tôi vững tin là mình không còn đơn độc. Chẳng cần liên hệ trước, tôi gửi một bài viết cho Diễn Đàn kể về tâm trạng của mình.

„Tản mạn về những đứa con lưu lạc“ được đưa lên báo ngay trong số báo sau. Câu chuyện xoay quanh những người bay trến chuyến bay từ Nội Bài đi Đức, nhưng chính là những suy nghĩ của tôi khi rời Việt Nam Cháu bé được trích dẫn trong phần đầu câu chuyện chính là cậu con trai tôi. Đó chính là những tâm sự nặng trĩu lòng trong những ngày đầu mới ròi quê hương

Rồi tôi quyết định đặt mua dài hạn tạp chí và mỗi tháng gửi vài chục DM (Tiền cũ của Đức trước khi dùng EURO) để ủng hộ những người bạn không hề quen biết. Các số báo diễn đàn ngày đó là nguồn vui của tôi hàng tháng, sau thành hàng 2-3 tháng, cho đến khi chấm dứt vào cuối 1993. Tôi giữ chúng cho đến hôm nay, thành một tập như hồ sơ mà người Đức vẫn hay lưu giữ, thành một kỷ niệm của người Việt xa quê.

20 năm sau, Năm 2012 tôi lại có duyên làm bạn với nhóm Văn Lang ở Praha, lúc đầu chỉ cùng nhau phối hợp chiếu phim „Hoàng Sa- Nỗi đau mất mát“của anh Andre Menras Hồ Cương Quyết. Từ đó đến nay tôi đã 4-5 lần qua lại Praha, vừa vì chuyện làm ăn, vừa vì chuyện gia đình, lần nào cũng gặp lại các bạn. Té ra các bạn Văn Lang, các bạn chiếu phịm Hoàng Sa của anh Hồ Cương Quyết và các bạn xuất bản Diễn Đàn vẫn là một. Những con người đã mang dấu ấn thì không bao giờ phai.

Tập „Diễn Đàn“ cũng sẽ có chỗ đứng trong tủ sách nhà tôi như vậy.

Köln 29.10.2020

Xuân Thọ


Ghi chú:

Xuân Thọ cộng tác viên của Diễn Đàn.
- Thời Diễn Đàn: sống và làm việc ở Köln, Đức.
- Hiện nay: sống và làm việc ở Köln, Đức.

Lời giới thiệu
Lê Thanh Nhàn, chủ bút đầu tiên
Nguyễn Minh, một trong những người khởi xướng Diễn Đàn
Trần Anh Chương, từng là cộng tác viên của Diễn Đàn
Đỗ Quý Toàn, một trong những thân hữu gần gũi của Diễn Đàn
Trần Ngọc Tuấn, từng tham gia Diễn Đàn
Đỗ Ngọc, từng là tổng biên tập báo Cánh Én, Đức
Đỗ Kh. là tác giả của: Cây gậy làm mưa (tập truyện),...
Cu Li biên tập viên cuả Điểm Tin báo chí...
Nguyễn Hoàng Linh, từng là cộng tác viên của Diễn Đàn
Trần Anh Chương, từng là cộng tác viên của Diễn Đàn.
Việt Phương, thành viên của ban biên tập Diễn Đàn
N.N, thành viên ban biên tập Diễn Đàn.