30 năm kỷ niệm chuyện làm báo Diễn Đàn Praha
2.11.2020


Trí thức và sự lương thiện


Cuối năm thứ 3 đại học khoảng 1985 tôi được phân công tới viện Vật Lý, đại học Karlova làm luận án. Thời đó như hầu hết các sinh viên VN, tôi chẳng học hành gì, toàn trốn lớp. Nhưng không hiểu sao gặp ông thầy Parizek, tôi không ‘cùn’ được, cuối cùng tôi không thiếu một bữa làm luận án nào. Nhiều lúc thầy trò làm thí nghiệm suốt đêm. Bài báo đầu tiên chúng tôi đăng trên một tạp chí vật lý uy tín thời đó còn tìm thấy ở đây (https://onlinelibrary.wiley.com/doi/abs/10.1002/pssa.2211080221) Trong viện vật lý nhiều giáo sư hay đi qua Tây Âu công tác hoặc dự hội nghị nhưng ông Parizek không bao giờ được cử đi chỉ vì ông không là đảng viên CS. Sau này khi đã thân tôi có hỏi sao ông không vào đảng để lấy quyền lợi thì ông chỉ trả lời đơn giản ông không thích nhập nhằng giữa giá trị thật của khoa học và quyền lợi của đảng viên đảng CS Tiệp Khắc.

Từ năm 85 khi perestroika được phát động thì ở Tiệp phim ảnh của Liên Xô về tội ác thời kì Stalin được chiếu rộng rãi hơn. Một trong những phim có tiếng vang lớn là Sám Hối nói về sự cùng cực của những người tù bị giam cầm ở Siberia. Tôi chỉ còn nhớ cảnh những núi giày của những người chết vẫn còn xót lại bên những ngôi nhà gỗ đổ nát trong một trại tù mấy chục năm sau khi đóng cửa. Mùa hè 86 hay 87 bọn chúng tôi từ Strahov về Podoli, khu ở của khoa máy. Ở đây ai cũng biết anh Phong với biệt danh Phong Nhĩ một nghiên cứu sinh giỏi cực kì vì anh ấy được chuyển thẳng từ sinh viên lên nghiên cứu sinh, lại Đảng viên trẻ, anh Phong là điển hình của con người toàn diện. Trong một đêm uống bia không hiểu sao đứa nào đem Sám Hối ra bàn. Anh Phong và Lão Hạc bí thư chi bộ phát biểu như đinh đóng cột: Stalin là một nhân vật vĩ đại có công đưa Liên Xô lên thành siêu cường, chả có lí do dì để xét lại công hay tội cả. Tất cả ngồi yên, chỉ có Phong Còi ( Phong này nhỏ bé nên biết danh là Phong Còi) Khánh và tôi là cải lại như mỗ bò. Thời đó anh Phong được giới thiệu đi chuyến tàu với Trung Ương Đoàn Tiệp thăm 12 nước Tây Âu. Anh không thể nói khác. Sau này anh có thể đảm nhiệm những chức vụ cao anh cũng không thể nói khác vì nồi cơm của anh có thể nhỏ hơn nếu anh nói thật. Mấy năm sau Liên Xô sụp đổ, những cuốn như Quần Đảo Ngục Tù của nhà văn Nga Solzhenitsyn có thể đọc được ở Việt Nam qua mạng Talawas. Những lãnh tụ như thánh trong một chế độ toàn trị cũng là những tay đồ tể, những đao phủ. Không biết anh Phong có đọc không hay có can đảm dám đọc.

Ngấm lại cuộc Cách Mạng Nhung, thành công ngoạn mục cũng do trí thức Tiệp có một bề dày trong lịch sử. Nhiều người đã hy sinh lợi ích cá nhân để thầm lặng nói không với Đảng CS Tiệp. Obcanske Forum được lãnh đạo bởi một thành phần trí thức nhiều xu hướng khác nhau nhưng sẵn sàng đồng thuận trong những giờ phút lịch sử để dứt điểm chế độ toàn trị. Tôi thấy trong họ sự lương thiện của người trí thức. Họ dám nói sự thật! Chúng ta không có cái đó. Miếng cơm manh áo với nhiều khoa bảng Việt Nam lớn quá, lớn hơn nhiều lần thiên chức của người trí thức là thành phần dẫn đường cho xã hội.

Tờ Diễn Đàn 30 năm trước đã tạo được một sân chơi nhỏ trong một thời gian ngắn cho rất nhiều bạn trẻ tìm cách nói lên sự thật. Mà sự thật sẽ thắng như trên hình con sư tử quốc huy Tiệp: Pravda zvítězí!

Tháng 10/2020
Trần Anh Chương


Ghi chú:
Trần Anh Chương, từng là cộng tác viên của Diễn Đàn.
- Thời Diễn Đàn: tốt nghiệp đại học ČVUT, Praha, cộng hòa Czech. Làm việc tại Viện Vật Lý, UK, Praha. Vượt biên từ Tiệp sang Ý mấy tháng trước Cách Mạng Nhung 1989.
- Hiện nay: sống và làm việc ở Mỹ.

Lời giới thiệu
Lê Thanh Nhàn, chủ bút đầu tiên
Nguyễn Minh, một trong những người khởi xướng Diễn Đàn
Trần Anh Chương, từng là cộng tác viên của Diễn Đàn
Đỗ Quý Toàn, một trong những thân hữu gần gũi của Diễn Đàn
Trần Ngọc Tuấn, từng tham gia Diễn Đàn
Đỗ Ngọc, từng là tổng biên tập báo Cánh Én, Đức
Đỗ Kh. là tác giả của: Cây gậy làm mưa (tập truyện),...
Cu Li biên tập viên cuả Điểm Tin báo chí...
Nguyễn Hoàng Linh, từng là cộng tác viên của Diễn Đàn